Mới đây một anh chàng đến từ Brasil đã đặt mua chiếc Card PALIT RTX 3090 Ti GameRock trên Amazon và nhận được … một nùi cát.
ảnh: tiktok maurisousa_
Tài khoản tiktok maurisousa_ đã đăng tải video mở kiện hàng được gửi từ Amazon cho thấy bên ngoài là vỏ hộp của chiếc Card 3090 Ti nhưng bên trong là thứ chẳng ai ngờ đến. Maurício cho biết, chỉ sau một ngày đặt mua trên Amazon, chiếc Card đã được gửi đến nhà anh. Tuy nhiên khi nhận hàng, anh đã nhìn ra một số dấu hiệu bất thường từ phần hộp bị méo mó và trọng lượng của kiện hàng có gì đó sai sai. Chính vì vậy, anh đã nhờ vợ của mình quay lại quá trình Unbox kiện hàng để làm bằng chứng khiếu nại đến Amazon. Được biết, Maurício mua chiếc Card này với giá 14.500 Real Brasil – xấp xỉ 61 triệu VNĐ.
Hiện tại anh vẫn chưa nhận được số tiền hoàn trả cho dù đã thực hiện toàn bộ các quy trình đưa ra bởi bên chăm sóc khách hàng. “Họ chẳng thể làm gì ngoài việc thuyên chuyển vấn đề của tôi lên các bộ phận xử lý cao hơn. Tôi đã điền đầy đủ vào tờ khai và họ nói sẽ giải quyết nó trong vòng 3 ngày. Tuy nhiên sau 3 ngày, họ lại đính chính thành 7 ngày làm việc. Tiếp đó hơn một tuần trôi qua, họ yêu cầu tôi chờ trong vòng 48 giờ. Hiện tại tôi vẫn không có chiếc Card của mình và đang sở hữu 3 hũ cát vô cùng đắt đỏ”.
Thêm vào đó, sau khi trao đổi câu chuyện qua điện thoại với bên công ty, một nhân viên đã gửi cho anh đường link dẫn đến trang xóa vĩnh viễn tài khoản của mình. Cảm thấy khó hiểu về điều này, anh gọi lại vào đường dây và nhận được một cái dập máy. Theo chia sẻ, anh đã báo cáo chính quyền cảnh sát về vụ việc và nộp đơn kiện lên tòa án dân sự. Ngay sau động thái này, phía Amazon Brasil đã ra thông báo điều tra và giải quyết khiếu nại của Maurício.
Tương tự với sự vụ như trên, chủ kênh Youtube ServerTheHome là Patrick J Kennedy hai ngày trước đã đăng tải video cho biết mình bị lừa khi mua Card trên Amazon. Patrick chia sẻ, anh đặt mua RTX 3090 nhưng lại nhận được mẫu 3070 nằm trong một chiếc hộp bị rách seal.
Đáng chú ý, cả hai sản phẩm nêu trên đều được bán và vận chuyển bởi chính Amazon. Lý giải cho các sự vụ này bắt nguồn từ lỗi của đơn vị kiểm soát xuất nhập hàng. Một số người dùng sẽ trục lợi chính sách hoàn trả của Amazon. Ngay khi nhận được hàng, họ làm giả bằng chứng và nộp khiếu nại. Sau đó, họ đưa vào trong hộp những thứ không đúng như ban đầu và gửi lại cho hãng. Sẽ có những trường hợp bên nhận hàng làm sai quy trình kiểm tra sản phẩm trả về. Từ đó, kiện hàng lởm này lại được lên sóng Online, và cuối cùng thiệt nhất là những người mua phải các món đồ ấy.
Đăng bình luận về bài viết này